30.05.2025

Ngày Hội tiếng Việt 2025: Tôn vinh tiếng Việt – Gắn kết hai nền văn hóa

Trong khuôn khổ Tuần lễ Việt Nam tại thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga (19–23/5/2025), nhiều hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật đã diễn ra sôi nổi, thu hút sự quan tâm của chính quyền, người dân sở tại và cộng đồng người Việt. Nổi bật trong chuỗi hoạt động này là Ngày Hội tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị” và chính phủ Saint Petersburg phối hợp tổ chức.

Các sự kiện đã diễn ra tại Đại học sư phạm quốc gia Nga mang tên Herzen, Trường Trung học phổ thông số 488, và tại Nhà dân tộc, nơi diễn ra Triển lãm tranh về Việt Nam của cố họa sĩ Tuman Zhumabaev – một nghệ sĩ nổi tiếng Nga dành nhiều tình cảm sâu đậm cho Việt Nam.

Ngày hội tiếng Việt sôi nổi ở “thủ đô phương bắc” nước Nga

Ngày 20/5, tại Đại học Sư phạm quốc gia Nga mang tên A.I. Herzen (Đại học Herzen) ở thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Ngày hội tiếng Việt thường niên lần thứ 5. Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” và Đại học Herzen đồng phối hợp tổ chức, đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa ngôn ngữ và giao thoa văn hóa giữa hai nước. Đây cũng là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Saint Petersburg trong khuôn khổ Tuần Việt Nam đang diễn ra tại thành phố này. Tham dự sự kiện, có ông Vyacheslav Kalganov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg; bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, Bí thư Thứ nhất, Phụ trách Bộ phận Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga; ông Sergey Tarasov, Hiệu trưởng Đại học Herzen; ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác “Truyền thống và hữu nghị”; cùng đông đảo sinh viên Nga nghiên cứu tiếng Việt và sinh viên Việt Nam đang học tập tại các học viện, nhà trường ở Nga.

Bày tỏ vui mừng và vinh dự khi thành phố Saint Petersburg được chọn là nơi tổ chức Ngày hội tiếng Việt lần thứ 5, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg Vyacheslav Kalganov nhấn mạnh, Đại học Herzen có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Tại ngôi trường này hiện nay có nhiều sinh viên Việt Nam đang học tập. Nhiều cựu sinh viên Việt Nam của trường hiện đang giữ những vị trí rất quan trọng tại Việt Nam. Ngày nay, hợp tác với Việt Nam đã trở thành lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động đối ngoại của chính quyền Saint Petersburg và sự hợp tác này đang mở ra những triển vọng rất lớn.

Phát biểu khai mạc, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa khẳng định, Ngày hội tiếng Việt hôm nay là sự kiện đặc biệt, quy tụ những người coi trọng sự phong phú của văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Trong 5 năm qua, Ngày hội đã trở thành diễn đàn đối thoại, nơi ươm mầm ý tưởng và truyền thống sống động. Năm nay, sự kiện mang một ý nghĩa đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam-Liên bang Nga kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ đó, hàng chục nghìn chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo tại Liên Xô và nước Nga, hàng trăm dự án chung đã được tổ chức, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, khoa học và văn hóa. Saint Petersburg xứng đáng được quan tâm đặc biệt, vì thành phố này đã tăng cường hợp tác nhiều mặt trong những năm qua với Việt Nam.

Chia sẻ cảm nhận với những người tham dự sự kiện, Giám đốc Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” Nguyễn Quốc Hùng xúc động cho biết, Ngày hội tiếng Việt đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa ngôn ngữ và giao thoa văn hóa giữa hai nước. Ông Nguyễn Quốc Hùng tin tưởng rằng, sự kiện hôm nay và những sự kiện tương tự như vậy sẽ giúp thế hệ trẻ hai nước hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau hơn. Thay mặt Quỹ, ông Nguyễn Quốc Hùng cảm ơn chính quyền thành phố, nhà trường và các sinh viên đã chung tay làm nên ngày hội, tạo nên niềm cảm hứng để thế hệ trẻ hai nước sánh vai vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thịnh vượng của những tâm hồn đồng điệu và sâu sắc.

Sau lễ khai mạc, những người tham dự Ngày hội được thưởng thức các tiết mục biểu diễn do sinh viên Việt Nam và Nga thể hiện. Đặc biệt, các giảng viên, sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở Saint Petersburg được tham gia lớp học tiếng Việt kết hợp kể chuyện do các nhà Việt Nam học lên lớp.

Tại đây, họ được giới thiệu các xu hướng ngôn ngữ hiện đại, từ vay mượn, tiếng lóng Internet và từ vựng của giới trẻ, tìm hiểu về phương ngữ tiếng Việt và làm quen với các quy tắc văn hóa của tiếng Việt. Và cuối cùng diễn ra cuộc thảo luận về chủ đề “Toàn cầu hóa so với bản sắc dân tộc”.

Không gian Việt Nam giữa lòng St. Petersburg

Ngày 21/5, Trường THPT số 488 (quận Vyborg) đã trở thành tâm điểm của hoạt động văn hóa Việt tại Nga. Tại đây, Festival tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam được tổ chức trọng thể với sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Lê Minh Hoan, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, đại diện chính quyền thành phố St. Petersburg cùng hàng trăm học sinh, giáo viên nhà trường.

Không khí lễ hội được thổi bùng bằng các tiết mục flashmob sôi động trên nền nhạc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và “Việt Nam ơi”, do chính các học sinh Nga thể hiện. Đây là những bài hát quen thuộc với người Việt, nhưng lại vang lên đầy xúc động tại một ngôi trường Nga – thể hiện tình cảm chân thành và sự kết nối đặc biệt giữa hai dân tộc.

Trong phát biểu của mình, Hiệu trưởng trường phổ thông 488 Natalia Osennova bày tỏ niềm tự hào khi nhà trường luôn quan tâm, duy trì không gian văn hóa Việt Nam, trong đó có phòng lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ Ngày hội tiếng Việt các em học sinh được hòa mình vào các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, trò chơi dân gian, ẩm thực dân tộc phong phú của Việt Nam. Bà nhấn mạnh, những hoạt động như Festival không chỉ giúp học sinh Nga hiểu thêm về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, mà còn củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tình hữu nghị Việt-Nga

Luôn đồng hành và hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt tại Liên bang Nga, Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc tổ chức Ngày hội tiếng Việt tại ngôi trường đã dành nhiều tình cảm đặc biệt cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi có bảo tàng về Bác Hồ vĩ đại, có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Sự kiện diễn ra đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên mảnh đất mà Người đã lần đầu đặt chân đến nước Nga Xô viết – thành phố Petrograd, nay là Saint Petersburg. Điều này mang tính biểu tượng cao bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tình hữu nghị Việt-Nga, người đặt nền móng cho tình hữu nghị thủy chung, gắn bó giữa hai dân tộc.

Trong khuôn khổ Ngày hội tiếng Việt tại trường 488, các em học sinh được tham gia lớp học tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi được trải nghiệm những giờ học hết sức quý báu, các em học sinh Nga hào hứng tham gia vẽ tranh về Bác Hồ, thậm chí viết thư cho Bác bày tỏ sự yêu mến, kính trọng và mong muốn được học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam và mong đến thăm đất nước này vào một ngày không xa.

Trực tiếp tham gia giới thiệu cho các em học sinh Nga về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạn Trần Mai Tuấn Phong, sinh viên Đại học Quan hệ quốc tế quốc gia Moskva (MGIMO) cảm thấy rất vui và bất ngờ khi các em học sinh rất hứng thú tìm hiểu về Bác Hồ và những di sản của Người để lại. “Khi được lắng nghe những câu chuyện về Bác Hồ, đặc biệt là hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người, trên gương mặt các bạn trẻ Nga thể hiện rõ sự khâm phục, ngưỡng mộ”, Tuấn Phong hào hứng chia sẻ.

Các em học sinh là tương lai của tình hữu nghị Việt – Nga

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu từ phía nhà trường và các em học sinh. Ông khẳng định, những thế hệ trẻ như học sinh Trường 488 chính là cầu nối tương lai, góp phần duy trì và phát triển mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và Nga. “Ở nơi xa Tổ quốc, được nghe những bài hát quen thuộc về Bác Hồ, về đất nước Việt Nam, tôi cảm thấy ấm lòng. Và tôi càng tin tưởng rằng tình hữu nghị Việt – Nga sẽ còn tiếp tục được thắp sáng qua những thế hệ như các em học sinh hôm nay”, ông chia sẻ.

Những hạt giống ngôn ngữ mà chúng ta gieo xuống ngày hôm nay sẽ mang lại trái ngọt cho các thế hệ mai sau

Trong phát biểu tại Trường phổ thông 488, Giám đốc Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” đã trích dẫn lời của Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh Nghị quyết số 59 của Trung ương Đảng về hội nhập quốc tế là một trong “Bộ tứ trụ cột” để giúp đất nước Việt Nam cất cánh. Ngôn ngữ là sợi dây liên kết của con người, nó lưu giữ những ký hiệu quan trọng nhất, nó chứa đựng mọi điều dễ hiểu và thân thương với trái tim con người. Ngày hội tiếng Việt được tổ chức tại một trường phổ thông của Nga, trong nụ cười và ánh mắt trẻ thơ trong sáng của những tâm hồn Việt-Nga. Những hạt giống ngôn ngữ mà chúng ta gieo xuống ngày hôm nay sẽ mang lại trái ngọt cho các thế hệ mai sau: đó là những tâm hồn Việt giàu lòng nhân ái, yêu quê hương, đất nước, mang đậm bản sắc Việt, đó là sự thấu hiểu và chia sẻ, sát cánh bên nhau của nhân dân hai nước Việt- Nga.

Tranh Việt trong mắt họa sĩ Nga

Một hoạt động nổi bật khác là Triển lãm tranh “Chúng ta cùng trong một hành tinh”, tổ chức ngày 19/5 tại Ngôi nhà Dân tộc, đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm trưng bày hàng chục bức tranh về Việt Nam do cố họa sĩ Tuman Zhumabaev sáng tác – người từng đến Việt Nam 24 lần từ 2002 đến 2020. Các tác phẩm phản ánh vẻ đẹp bình dị của làng quê Việt, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và các biểu tượng văn hóa đặc trưng như hoa sen, được ông thể hiện bằng phong cách hội họa tinh tế, sâu sắc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định triển lãm là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, vừa tri ân họa sĩ Tuman Zhumabaev – một người bạn lớn của Việt Nam, vừa góp phần tăng cường hiểu biết và tình cảm giữa nhân dân hai nước.

Tôn vinh tiếng Việt – Gắn kết hai nền văn hóa

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ «Truyền thống và Hữu nghị», các hoạt động trong Tuần lễ Việt Nam lần này là sự hưởng ứng thiết thực “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”. Đây cũng là một bước phát triển mới trong nỗ lực lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt đến với thanh thiếu niên Nga, đặc biệt là những người đang học tiếng Việt hoặc yêu mến văn hóa Việt Nam.

Tại Ngày Hội tiếng Việt 2025, nhiều học sinh Nga đã tham gia các lớp học tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẽ tranh về Bác Hồ, chơi trò chơi dân gian, viết thư gửi Bác Hồ bằng tiếng Việt và bày tỏ mong muốn đến thăm Việt Nam trong tương lai gần.

Các hoạt động trong Tuần lễ Việt Nam tại St. Petersburg đã thực sự trở thành cầu nối văn hóa – ngôn ngữ – tình cảm giữa hai dân tộc Việt – Nga. Những hình ảnh xúc động về tình hữu nghị, về sự đón nhận nhiệt thành của bạn bè Nga dành cho tiếng Việt, văn hóa Việt và Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng sống động cho sức mạnh mềm của văn hóa trong ngoại giao nhân dân.

Chuỗi sự kiện tiếng Việt và văn hóa Việt không chỉ là dịp để cộng đồng người Việt tại Nga gắn bó và tự hào, mà còn góp phần tạo nền tảng bền vững cho quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Liên bang Nga, nhất là trong thế hệ trẻ hai nước.