14.09.2024
Ngày hội tiếng Việt tại Nga năm 2024 nhằm hưởng ứng đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030” với mục đích tôn vinh và phát huy giá trị của tiếng Việt, tạo cơ hội cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài gìn giữ, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, giao lưu, đặc biệt là trải nghiệm thú vị cho các bạn trẻ nước ngoài và Việt Nam.
Sự kiện được tổ chức vào ngày 14 tháng 9 năm 2024 tại thành phố Ulianovsk- thành phố quê hương của lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin. Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị”, Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tỉnh Ulyanovsk phối hợp Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” tổ chức sự kiện này.
Đây là hoạt động nằm trong mục tiêu của Quỹ khai sáng – dự án đặc biệt của Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị” hướng tới đối tượng là thế hệ trẻ, nhằm thúc đẩy các hoạt động văn hóa-giáo dục, khai mở tri thức, hợp tác trong lĩnh vực Việt Nam học và dạy tiếng Việt tại Liên bang Nga, cũng như dạy tiếng Nga và nghiên cứu văn hóa Nga tại Việt Nam.
Ngày hội tiếng Việt được tổ chức tại Ulianovsk quê hương của Lenin và tại Trường trung học số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này mang tính biểu tượng cao và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Ngày hội tiếng Việt “tiếng Việt đi khắp năm châu” vì thế còn là ngày hội lan tỏa các giá trị đạo đức, giá trị tinh thần cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người đặt nền móng cho tình hữu nghị Việt-Nga đến với người dân hai nước, để thế hệ trẻ hai nước hiểu thêm về những trang sử đối thoại rực rỡ của hai dân tộc.
Việc chọn trường phổ thông của Nga là nơi diễn ra Ngày hội tiếng Việt là một bước đi mới, hướng vào thế hệ trẻ góp phần lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt đến với những tâm hồn trẻ thơ, góp phần xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan của những bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, những người là nền móng của thế hệ tương lai, quyết định mối quan hệ hợp tác hữu nghị cùng phát triển của hai nước. Đó cũng là cách xây dựng một hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện với những con người có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, gần gũi và hiểu biết thế giới Nga trong lòng bạn bè Nga.
Sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt tại LB Nga nói chung, cũng như thúc đẩy giao thoa văn hóa và ngôn ngữ giữa hai nước Việt – Nga.
Chính quyền sở tại rất quan tâm đến sự kiện này. Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Ulyanovsk Evgeny Miller cùng đại diện lãnh đạo chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục của tỉnh và thành phố đã tham dự và phát biểu chúc mừng.
Trước các vị quan khách sở tại, các nhà tổ chức và hơn 50 em học sinh Việt Nam và Nga, các em nhỏ nhất chỉ mới 6 – 7 tuổi, cùng các phụ huynh quan tâm đến tiếng Việt, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, phụ trách bộ phận giáo dục Đại sứ quán Việt Nam đã đọc thư của Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi chào mừng sự kiện.
Trong thư Đại sứ Đặng Minh Khôi đã dẫn lời Bác Hồ kính yêu nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Đại sứ Đặng Minh Khôi nêu rõ, đây là hoạt động ý nghĩa, không chỉ nhằm phát triển ngôn ngữ Việt, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào và bạn bè quốc tế. Điều này càng trở nên quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ, những người sẽ là cầu nối trong mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong tương lai.
Chương trình trải nghiệm tiếng Việt, được Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh, chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” thiết kế, như một chuyến du lịch ra khơi xa. Dưới sự “cầm lái” của thuyền trưởng Thuỵ Anh, 4 “thuỷ thủ đoàn nhí” gồm cả các em nhỏ người Nga và Việt Nam đã cùng thi đua vượt qua “con sóng” đánh vần và nhận mặt chữ cái tiếng Việt qua hình ảnh trực quan, từng bước cảm nhận sự thu hút của “đại dương tiếng Việt”, được cổ vũ khích lệ mỗi khi vượt qua thử thách, tự tin “cầm bánh lái” khám phá. Những nét đặc sắc, độc đáo của tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, từ ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục về tập tục đã được giới thiệu qua hình thức trò chơi và được tất cả các em đón nhận với tiếng cười và sự ngời sáng trong ánh mắt.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ Truyền thống và hữu nghị đánh giá Ngày hội tiếng Việt tại Liên bang Nga năm 2024 “Tiếng Việt đi khắp năm châu” là một bước ngoặt mới trong công việc lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt tại Nga. Sự kiện được tổ chức với hình thức tổ chức mới, phương pháp tổ chức chuyên nghiệp, quy mô sự kiện, tiếp cận mới trong việc lựa chọn đối tượng, địa điểm tổ chức sự kiện. Cách thức tổ chức mang tính tương tác cao, nội dung đa dạng không chỉ về mặt ngôn ngữ mà còn cả về văn hóa và giao lưu tương tác giữa văn hóa và ngôn ngữ Việt-Nga. Với hình thức thể hiện mang tính hình tượng là một đoàn tàu du ngoạn theo hành trình đến những hòn đảo xinh đẹp đầy bản sắc ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Đó là Đảo chữ, đảo thơ, đảo âm nhạc, đảo trò nghệ thuật, trò chơi dân gian, đảo ẩm thực…Các thức thể hiện này khiến cho việc chuyển tải ngôn ngữ, văn hóa Việt dễ gần hơn, dễ tiếp nhận hơn với các đối tượng mà dự án cần chuyển tải là cộng đồng người Việt tại Nga và các em thiếu niên, học sinh Nga trong trường phổ thông cũng như các thầy cô giáo Nga, những người sẽ truyền đạt lại cho thế hệ tương lai của Nga sự cảm thụ của mình với tình yêu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, những tình cảm của người dân Việt Nam với đất nước và con người Nga.
Triển lãm “80 sự kiện về phong tỏa Leningrad”- Biểu tượng của khát vọng sống và lòng dũng cảm bảo vệ Tổ quốc
Tri ân các chuyên gia Liên Xô, những người bạn thủy chung của Việt Nam
Tuần Việt Nam tại Saint Petersburg: sôi nổi, phong phú, ấn tượng đầy màu sắc
Ngày Việt Nam tại MGIMO lần thứ IX: Dấu ấn văn hóa Việt Nam trong lòng nước Nga