Ngày Việt Nam tại MGIMO lần thứ IX: Dấu ấn văn hóa Việt Nam trong lòng nước Nga

Ngày 22/05/2024, đã trở thành truyền thống, tại trường Đại học quan hệ quốc tế quốc gia Moskva (MGIMO) đã diễn ra sự kiện Ngày Việt Nam lần thứ IX. Sự kiện lần này do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga phối hợp với Đại học Quan hệ quốc tế quốc gia Moskva (MGIMO) tổ chức. Chương trình được thực hiện bởi Trung tâm ASEAN thuộc MGIMO, Hội sinh viên Việt Nam tại MGIMO cùng với sự hỗ trợ của Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga – Việt “Truyền thống và hữu nghị”. Lần đầu tiên trong khuôn khổ của sự kiện đã diễn ra Ngày hội tiếng Việt tại Liên bang Nga năm 2024 và công bố cuộc thi “Tôi yêu Việt Nam”.

Tham dự sự kiện, có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn; về phía Nga có Hiệu trưởng trường MGIMO Anatoly Torkunov và Ban Giám hiệu nhà trường, cùng khoảng 700 khách mời là đại diện các cơ quan chính phủ, các nhà ngoại giao, các doanh nhân Nga và Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam học nổi tiếng của Nga, giảng viên và sinh viên của trường MGIMO và các trường đại học hàng đầu của Nga.

Trong số khách mời danh dự của sự kiện có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga tại Việt Nam (2001–2004) A.A. Tatarinov, Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua Quốc tế ( FIDE) (1995–2018), người đứng đầu Cộng hòa Kalmykia (1993–2010) K.N. Ilyumzhinov, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Bùi Thành Nam, Phó Hiệu trưởng khoa Ngôn ngữ và dự bị đại học MGIMO  I.S. Putintsev, Trưởng ban quan hệ quốc tế MGIMO  E.V. Andreev, Phó Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đoàn Khắc Hoàng, Giám đốc Quỹ truyền thống và hữu nghị Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng khoa Ngoại giao K.M Barsky, Giám đốc Văn phòng Đại diện Nga tại FIDE B.T. Balgabaev, cũng như các Đại sứ các nước thành viên ASEAN: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Liên bang Nga Vilawan Yiapohe, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Myanmar Thit Lynn Oun, Đặc mệnh toàn quyền Malaysia tại Liên bang Nga Cheong Lun Lai, đại diện các đoàn ngoại giao của các nước ASEAN.

Mở màn cho Ngày Việt Nam là triển lãm ảnh “Hội nghị Geneva 1954 và ý nghĩa đối với Việt Nam đương đại”. Các khách mời của Ngày Việt Nam được làm quen với những tư liệu ảnh quý và độc đáo về thời kỳ đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Triển lãm có thành phần kỹ thuật số – mọi người đều có thể nhận được nhận xét chi tiết về các bức ảnh bằng cách quét mã QR.

Chương trình Ngày Việt Nam tiếp tục với bài giảng của ông Bùi Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với chủ đề “Vai trò của Việt Nam trong ASEAN”. Bài giảng có sự tham gia của các sinh viên Việt Nam đến từ MGIMO và các trường đại học chuyên ngành nghiên cứu phương Đông khác, cũng như các giảng viên và nhà nghiên cứu có mối quan tâm nghề nghiệp đến khu vực Đông Nam Á.

Trong lễ khai mạc Ngày Việt Nam thứ IX, Phó Hiệu trưởng MGIMO phụ trách Ngôn ngữ và dự bị đại học I.S. Putintsev, Phó Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đoàn Khắc Hoàng, Trưởng phòng Việt Nam Vụ thứ ba Châu Á của Bộ Ngoại giao Nga I.S. Bayazov, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương và các dự án đặc biệt của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga N.V. Kondratiev đã phát biểu khai mạc. Đại sứ Liên bang Nga tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam G.S. Bezdetko đã gửi thông điệp video tới các vị khách tham dự Ngày Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh đến truyền thống lịch sử lâu đời của tình hữu nghị Nga-Việt và những thành công đạt được trong việc phát triển hợp tác giữa hai nước trong thời kỳ hiện nay.

Sự kiện quan trọng theo hướng nghiên cứu tại Ngày Việt Nam là hội nghị khoa học “Việt Nam trong thế giới đa cực: cách tiếp cận, thách thức và triển vọng”, nhân kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Diễn giả chính của phiên toàn thể Hội nghị là khách mời danh dự Ngày Việt Nam tại MGIMO, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức nghị Việt Nam Phan Anh Sơn. Ngoài ra, còn có các bài thuyết trình của các nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và Nga đến từ MGIMO, Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại, Đại học quốc gia St. Petersburg, Đại học hữu nghị giữa các dân tộc RUDN, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Ngoại giao, cũng như đại diện các tổ chức xã hội và giới doanh nghiệp hai nước. . Phiên họp được điều hành bởi Phó Giám đốc Trung tâm ASEAN V.V. Vershinina.

Phiên thứ hai của hội nghị được dành cho các báo cáo của các nhà nghiên cứu trẻ. Tham gia báo cáo tại phiên này có sinh viên và nghiên cứu sinh chuyên nghiên cứu về Việt Nam từ các trường đại học hàng đầu trong nước – Học viện Ngoại giao, Viện Á-Phi, Đại học quốc gia Moskva, Đại học quốc gia St. Petersburg, Đại học RUDN. Tổng cộng, có 15 báo cáo đã được trình bày trong hội nghị.

Các tham luận tại Hội thảo của diễn giả Việt Nam và Nga tập trung làm rõ chính sách đối ngoại của hai nước, phong cách ngoại giao cây tre của Việt Nam, khả năng và triển vọng kinh tế Việt-Nga, chính sách kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh mới, các hướng phát triển chính sách luật pháp quốc tế hiện đại ở Việt Nam…

Trong vai trò diễn giả chính, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã khái quát đường lối đối ngoại mà Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi, đó là đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu, linh hoạt, khôn khéo về sách lược; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Đáp lại những câu hỏi làm rõ của các học giả về cách thức Việt Nam lựa chọn tham gia các tổ chức hội nhập quốc tế, ông Phan Anh Sơn khẳng định, theo nguyên tắc trên, Việt Nam sẽ không bao giờ tham gia những tổ chức nào cản trở sự phát triển của các quốc gia khác, ngược lại Việt Nam đã luôn giúp đỡ các quốc gia, trong đó có các quốc gia láng giềng thân cận, hội nhập vào các tổ chức quốc tế.

Tiếp nối hội nghị khoa học là cuộc thi đố vui về kiến ​​thức ngôn ngữ, văn hóa và xã hội hiện đại của Việt Nam do Hội sinh viên Việt Nam tại MGIMO tổ chức dành cho sinh viên Nga nghiên cứu về Việt Nam.

Chương trình làm việc phong phú và bận rộn của sự kiện Ngày Việt Nam được khép lại bằng đêm văn hóa quy mô lớn và sôi động, đầy màu sắc “Vòng quanh Việt Nam”. Phát biểu tại chương trình, Hiệu trưởng trường MGIMO Anatoly Torkunov chia sẻ rằng những người Nga đã từng đến Việt Nam, đều muốn thăm lại đất nước này vì con người, thiên nhiên, nền ẩm thực truyền thống của nơi đây. Ông Torkunov cũng tự hào khi những cựu sinh viên của MGIMO hiện đang giữ các vị trí cao trong các cơ quan nhà nước và ngành ngoại giao của Việt Nam, tin tưởng các sinh viên Việt Nam đang học tập tại trường sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang này.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi khẳng định Ngày văn hóa Việt Nam tại MGIMO là một trong những sự kiện truyền thống không chỉ đối với sinh viên MGIMO, mà còn đối với các sinh viên Việt Nam, các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên Nga học tiếng Việt tại các trường đại học trên khắp thủ đô Moskva. Là một cựu sinh viên của trường MGIMO, Đại sứ bày tỏ lòng biết ơn đối với ngôi trường đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam và mong muốn các bạn sinh viên Việt Nam tiếp tục kế thừa, bồi đắp tình hữu nghị truyền thống bền chặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Minh Khôi tuyên bố khai mạc Ngày hội tiếng Việt tại Nga năm 2024. Đại sứ cho biết, năm nay là năm thứ 4 tại Nga tổ chức Ngày hội tiếng Việt với chuỗi các hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ việc học và giảng dạy tiếng Việt tại các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu của Nga. Ngày hội tiếng Việt là một hoạt động rất ý nghĩa, giúp con em cộng đồng không những giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ mà còn hiểu thêm truyền thống, văn hóa cũng như lịch sử dân tộc, tăng cường tình thân trong gia đình, phát triển bản thân cũng như giữ được mối liên kết cộng đồng, luôn hướng về cội nguồn, quê hương, đất nước.

Chương trình nghệ thuật “Vòng quanh Việt Nam” đặc sắc đã đưa các vị khách đi suốt chiều dài đất nước Việt Nam. Những bài ca về lý tưởng thanh niên, về tình yêu Tổ quốc như là giá trị chung của thanh niên hai nước. Những bản nhạc hiện đại của hai nước được biểu diễn bằng nhạc cụ truyền thống.

Cũng trong khuôn khổ đêm văn hóa, Quỹ truyền thống và hữu nghị đã trao giải cho các thí sinh đạt giải trong cuộc thi “Làm quen với Việt Nam”. Buổi tối kết thúc bằng tiệc buffet truyền thống ẩm thực dân tộc Việt Nam. Trong suốt cả ngày, hội chợ quà lưu niệm Việt Nam đầy màu sắc đã được tổ chức tại sảnh tòa nhà MGIMO mới.

Có thể nói Ngày Việt Nam tại MGIMO lần thứ 9 được tổ chức quy mô, bài bản, sôi động, với thành phần đại diện đông đảo nhất từ trước đến nay, một lần nữa góp phần khẳng định những dấu ấn văn hóa Việt Nam trong lòng nước Nga. Sự kiện Ngày Việt Nam được xây dựng đa dạng nhằm giúp bạn bè quốc tế có một cái nhìn rộng hơn về văn hóa Việt Nam, từ đó khơi gợi mối quan tâm tìm hiểu sâu hơn về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Ngày Việt Nam tại MGIMO năm nay cũng mở màn cho những sự kiện về Việt Nam tiếp theo tại các trường đại học ở Moskva, nơi ươm mầm những thế hệ tiếp nối và vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam – LB Nga.

Ảnh: mgimo.ru, nhandan.vn